Khi có 5 dấu hiệu này thì bạn hãy tự tin khởi nghiệp
Dù ít đưa ra quyết định mạo hiểm trong công việc nhưng mỗi ngày các doanh nhân vẫn dành thời gian tính toán tỷ lệ rủi ro và cân nhắc các kế hoạch mạo hiểm để có thể đạt ngưỡng thành công mới.
Trong kinh doanh, thách thức thật sự đối với doanh nhân không phải lúc bạn bắt đầu công việc mà là giai đoạn bạn cố gắng phát triển công ty. Khi đó, ngoài niềm đam mê, lòng kiên trì, sẽ còn rất nhiều yếu tố khác quyết định sự thành công của một startup.
Oppong đã rút ra một số điểm chung của các doanh nhân thành công trên thế giới. Nếu có 5 dấu hiệu sau, bạn hãy tự tin trên con đường kinh doanh:
1. Có khả năng biến ý tưởng thành hiện thực
Tất cả những gì startup cần làm là bắt tay thực hiện ý tưởng. Có thể ý tưởng của bạn rất độc đáo, nhận được lời đề nghị rót vốn từ các nhà đầu tư, nhưng nếu không biến chúng thành hiện thực thì bạn sẽ không thế nào bước chân vào con đường kinh doanh.
Paul Graham – nhà đồng sáng lập tổ chức Y Combinator, một chương trình hỗ trợ khởi nghiệp nổi tiếng cho biết: “Y Combinator không đầu tư vào ý tưởng mà đầu tư vào con người”. Điều đó cho thấy, ý tưởng hay chưa đủ để giúp bạn thành công vì dù chúng có xuất sắc đến đâu nhưng nếu được thực hiện một cách sơ sài thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.
Trên thế giới, có hàng trăm người nghĩ ra ý tưởng giống bạn nhưng họ đã thất bại vì chần chừ thực hiện chúng. Ý tưởng vốn không hề đắt, vấn đề là bạn có đủ kiên trì và khả năng để theo đuổi chúng tới cùng hay không.
2. Thực sự quan tâm đến những điều đang làm hoặc muốn làm
Nếu bạn không thực sự quan tâm đến sản phẩm/dịch vụ của mình, hãy quên việc bắt đầu đi. Khởi nghiệp không phải là cuộc đua nước rút mà là chạy đua đường dài. Bạn sẽ không thể xây dựng một doanh nghiệp nếu mục đích cuối cùng mà bạn nhắm đến chỉ là tiền bạc.
Bạn phải là người có lòng nhiệt huyết và niềm tin vững chắc về khả năng thành công của ý tưởng. Xây dựng và phát triển startup là công việc đầy áp lực, đòi hỏi bạn phải có lòng lòng kiên trì, tính nhẫn nại và lường trước khả năng thất bại. Rất nhiều startup gặp thất bại trong giai đoạn đầu thực hiện dự án. Do đó, phải thực sự yêu công việc của mình thì bạn mới có đủ nghị lực để vượt qua mọi thử thách.
Và nếu không đam mê với “đứa con” của mình, có lẽ bạn nên sớm từ bỏ chúng. Vì một công ty startup sẽ không thể phát triển bền vững nếu chủ của nó không vạch ra được chiến lược dài hạn trong tương lai.
3. Có khả năng vượt qua thất bại
Doanh nhân thành công là những người biết cách vượt qua thất bại. Thất bại không phải là điều gì quá to tát, nó chỉ đơn giản là bệ phóng thúc đẩy bạn vươn tới thành công. Những doanh nhân thành công hiểu điều này nên họ luôn cố gắng vượt qua những thách thức hiện tại.
Tác giả, diễn giả, nhà tư vấn giáo dục nổi tiếng Ken Robinson từng chia sẻ: “Nếu không sẵn sàng cho việc mắc sai lầm, bạn sẽ không bao giờ nghĩ ra những điều độc đáo”.
Hãy nhìn tấm gương Richard Branson . Bạn chắc biết về danh tiếng tập đoàn Virgin của ông, nhưng hẳn sẽ ngạc nhiên với số lượng công ty mà ông từng thành lập trong quá khứ. Tuy không phải tất cả chúng còn tồn tại đến bây giờ nhưng nó cho bạn một ý niệm công bằng về lòng kiên trì và những thứ các doanh nhân phải đánh đổi để có được thành công như ngày nay.
4. Có niềm đam mê học tập
Hầu hết các doanh nhân thành công rất say mê học tập. Họ dành phần lớn thời gian để nghiên cứu phát triển công ty và đầu tư vào bản thân. Họ không ngừng học hỏi, tìm tòi, thậm chí trở thành chuyên gia trong nhiều lĩnh vực liên quan nhằm nắm bắt cơ hội kinh doanh và đưa ra quyết định đúng đắn.
Theo Jim Rohn – doanh nhân, tác giả, diễn giả nổi tiếng người Mỹ: “Hãy làm việc chăm chỉ vì bản thân hơn làm vì công việc”.
Warren Buffett dành 80 đến 90% thời gian trong ngày cho việc đọc hàng trăm trang tài liệu. Ngoài tích lũy kiến thức, đây cũng là yêu cầu bắt buộc đối với ông bởi công việc của “huyền thoại đầu tư” Buffett phần lớn dựa trên các thông tin, tin tức cập nhật hàng ngày.
Tỷ phú Richard Branson không học đại học nhưng ông đã thành lập nhiều công ty và lèo lái một phần trong số đó thành công, nổi tiếng thế giới.
5. Quản lý được rủi ro
Dù ít đưa ra quyết định mạo hiểm trong công việc nhưng mỗi ngày các doanh nhân vẫn dành thời gian tính toán tỷ lệ rủi ro và cân nhắc các kế hoạch mạo hiểm để có thể đạt ngưỡng thành công mới.
Nếu bạn có khả năng giảm thiểu rủi ro, muốn làm chủ cuộc đời và sáng tạo trong kinh doanh, hãy tự tin hơn trên con đường trở thành doanh nhân sau này.
Leave a Reply