Tài chính định lượng: Nghề mới với đầy triển vọng
Ở Việt Nam, trong vòng những năm trở lại đây, khi chúng ta tiến hành hội nhập, liên kết tài chính sâu rộng, thị trường tài chính năng động và quy mô lớn hơn đã tạo ra nhiều cơ hội cho các chuyên gia TCĐL thử sức.
Đây được xem là một ngành mới mẻ ở các nền kinh tế mới nổi. Các ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty tài chính, bảo hiểm…cũng đang khát nguồn nhân lực thành tạo về TCĐL.
Bài viết này của TS. Trần Vũ Đức – Chủ nhiệm bộ môn Toán ứng dụng Trường Đại học Hoa Sen sẽ đưa ra một góc nhìn bao quát từ những định nghĩa cơ bản, các mảng chuyên môn cũng như vị trí thực tế của một chuyên gia tài chính định lượng tại một số nước Châu Á và Việt Nam hiện nay
Chuyên viên tài chính định lượng, bạn là ai?
Nhân sự TCĐL, hay còn gọi là các nhà phân tích định lượng (Quantitative Analyst), và thường được biết đến là Quants, là những người sử dụng các công cụ Toán học để giải quyết các bài toán đặt ra trong đầu tư tài chính.
Theo khảo sát các công việc tại thị trường châu Á từ trang Web: efinancialcareers.com, có thể phân chia công việc của chuyên viên phân tích định lượng (hay còn gọi là kỹ sư tài chính) theo một số thị trường đầu tư như sau:
• Thị trường hàng hóa: định giá hợp đồng mua bán hàng hóa, lập mô hình kiểm soát rủi ro về số lượng, chất lượng, tỷ giá giao dịch.
• Thị trường tín dụng: định giá công ty, phân tích, lập các báo cáo tín dụng cho vay.
• Thị trường vốn: định giá công ty, lập mô hình phân tích đầu tư cổ phiếu, quản lý rủi ro và tối ưu hóa danh mục đầu tư.
• Thị trường ngoại hối: sử dụng các công cụ ngoại hối để kiểm soát rủi ro hoặc đầu cơ, v.v
• Thị trường lãi suất/trái phiếu: định giá công ty, phân tích nợ/trái phiếu và kiểm soát rủi ro bằng công cụ nợ.
Nói tóm lại, có thể nói TCĐL là việc sử dụng những công cụ Toán vào trong ngành Tài chính. Chữ “định lượng” ở đây phân biệt ngành này với các ngành khác trong kinh tế, tài chính. Cụ thể, TCĐL giúp chúng ta đưa ra các quyết định tài chính dựa trên những con số cụ thể.
Lịch sử phát triển của ngành tài chính định lượng
Hoa Kỳ và Châu Âu là hai khu vực khởi đầu và phát triển nhất đến thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, các quốc gia công nghiệp mới NICs (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, đặc khu Hong Kong) và cường quốc mới nổi Trung Quốc đang có nhu cầu nhân lực ngành này rất cao. Ở Việt Nam, trong vòng những năm trở lại đây, khi chúng ta tiến hành hội nhập, liên kết tài chính sâu rộng, thị trường tài chính năng động và quy mô lớn hơn đã tạo ra nhiều cơ hội cho các chuyên gia TCĐL thử sức.
Tuy nhiên, để có nhân sự được đào tạo bài bản về TCĐL không phải dễ. Thực tế hiện nay tại Việt Nam, các công ty thường sử dụng nhân sự ngành tài chính, là những người không có nền tảng về Toán, hoặc những người học Toán nhưng lại không có kiến thức về tài chính, để giải quyết các bài toán của tài chính định lượng. Việc này có thể dẫn đến sự kém chuyên nghiệp và hiệu quả trong hoạt động phân tích, cũng như khó khăn trong cạnh tranh với các công ty tài chính nước ngoài.
Đào tạo nhân sự tài chính định lượng
Cùng với việc sử dụng nguồn lực địa phương trong các nhóm phân tích định lượng, các chương trình đào tạo về tài chính định lượng ở châu Á đã có sự phát triển nhanh về số lượng. Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, các chương trình đều có khối lượng kiến thức về Toán và thống kê là khá nặng, ngoài ra các kiến thức cơ bản về tài chính, cũng như các kiến thức về sản phẩm, hình thức đầu tư tài chính hiện đại cũng được đưa vào giảng dạy. Đặc biệt, kỹ năng lập trình chiếm một phần không nhỏ trong chương trình đào tạo. Tại Việt Nam, trong vài năm gần đây, một số chương trình đào tạo về TCĐL đã bắt đầu được xây dựng theo cấu trúc như trên.
Cùng với các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ tài chính trong quá trình gia nhập WTO, các công ty tài chính nước ngoài đã và sẽ gia tăng sự có mặt của mình tại thị trường Việt Nam. Họ có sự chuyên nghiệp về quản lý cũng như kỹ năng, kinh nghiệm. Điều đó đòi hỏi các công ty tài chính Việt Nam cần trang bị cho mình những kiến thức kỹ năng quản lý hiện đại để có thể cạnh tranh. Việc này đặt ra thách thức không chỉ cho phía doanh nghiệp mà còn cho phía các nhà đào tạo.
Theo GS. Gouno, Giảng viên Khoa Toán, Trường Đại học Bretagne Sud, (Pháp), một người nếu được đào tạo tốt về Toán và phát triển khả năng của mình vào việc ứng dụng Toán vào lĩnh vực tài chính, bảo hiểm và các lĩnh vực khác như: y tế (nghiên cứu sức khỏe, bệnh dịch, công nghiệp dược phẩm), lĩnh vực công nghiệp (vận tải, kiểm soát chất lượng)…đều hoàn toàn có thể kỳ vọng vào việc tìm kiếm việc làm một cách dễ dàng với mức lương rất cao. Toán ứng dụng theo ông là rất quan trọng bởi vì nó có ích cho rất nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau; đem lại những kiến thức tốt nhất và điều khiển các nhân tố góp phần vào sự phát triển của các các lĩnh vực như kinh tế, y học và công nghiệp.
Với chuyên ngành Hê thống thông tin tài chính, thuộc ngành Toán ứng dụng của Trường Đại học Hoa Sen, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức về Toán-Thống kê, Tài chính, và kỹ năng lập trình cũng như quản lý và phân tích số liệu trên các phần mềm thống kê hiện đại. Tốt nghiệp ngành này, sinh viên ra trường có thể làm việc tại các công ty chứng khoán, công ty tư vấn đầu tư tài chính, ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty xử lý số liệu, công ty nghiên cứu thị trường, …
Leave a Reply