Nghỉ việc thế nào mới chuyên nghiệp?
Kể cả chuyển luôn sang một vị trí mới, bạn cần cập nhật lại CV của mình. Hãy chuẩn bị sẵn sàng CV, thư xin việc, hồ sơ online trên mạng xã hội và những tài liệu khác trước khi bắt tay vào quá trình tìm việc.
Dưới đây là một số lời khuyên của các chuyên gia nghề nghiệp giúp bạn bước ra khỏi cánh cửa công ty dễ dàng hơn:
Xác định chính xác lý do nghỉ việc
Xác định rõ ràng nguyên nhân mình muốn ra đi sẽ giúp ích cho quá trình tìm việc mới cũng như chiến lược phát triển sự nghiệp lâu dài. Hãy trung thực và cố gắng khách quan. Dù sự thật là công việc quá chán nản, sếp đối xử bất công hay đồng nghiệp “chơi xấu”, hãy bình tĩnh, đừng để cảm xúc cá nhân ảnh hưởng tới hành động. Bạn không thể đùng đùng tới chỗ sếp và nói rằng “Tôi nghỉ việc vì công việc này quá kinh khủng”.
Dù sao đi chăng nữa, bạn cũng không thể phủ nhận những gì công việc đó đã mang lại cho bạn như cơ hội thăng tiến, những dự án được đánh giá cao và đặc biệt là mạng lưới đồng nghiệp, khách hàng. Mạng lưới quan hệ là một trong những “vũ khí” quan trọng giúp bạn chinh phục công việc tiếp theo cũng như phát triển sự nghiệp.
Chọn đúng thời điểm và cách thức thông báo nghỉ việc
Nếu bạn vẫn chưa có công việc thay thế hay lập một kế hoạch cụ thể, hãy cân nhắc kỹ lưỡng xem đã đến lúc ra đi hay chưa. Nghỉ việc mà không biết mình sẽ làm gì tiếp theo không phải là sự lựa chọn đúng đắn.
Hãy cố gắng giữ bí mật kế hoạch của mình tới khi bạn có quyết định cuối cùng. Cấp trên sẽ không hài lòng, thậm chí có thể yêu cầu bạn nghỉ việc trước nếu nghe những thông tin trái chiều về việc đi hay ở của bạn. Thời điểm lý tưởng nhất để thông báo là khi bạn đã nhận được lời đề nghị công việc từ một công ty khác hoặc ít nhất là sau khi đã lên kế hoạch rõ ràng điều muốn làm.
Bước tiếp theo là chọn cách thức truyền tải thông tin nghỉ việc. Quy tắc công sở chung là nói chuyện với người quản lý trực tiếp của bạn trước. Chuyện quan trọng như thế này không nên nói qua email, điện thoại hay nói bóng gió trước với đồng nghiệp. Bạn nên chuẩn bị sẵn thư xin nghỉ khi tới nói chuyện với sếp. Trong cuộc nói chuyện, hãy duy trì sự chuyên nghiệp và tích cực, đừng để cảm xúc riêng khiến bạn nói những lời không nên với sếp.
Bên cạnh đó, hãy chú ý tới tình hình công ty trước khi đưa ra quyết định của mình. Bạn không nên xin nghỉ gấp và bất ngờ khi công ty đang trong giai đoạn cao điểm công việc. Ngược lại, công ty sẽ đánh giá cao và nhớ tới bạn như một nhân viên cũ đáng trân trọng nếu bạn đề nghị ở lại cho đến khi tìm được và đào tạo người thay thế.
Chuẩn bị trong trường hợp được đề nghị ở lại
Một số người cho rằng không nên chấp nhận lời đề nghị ở lại nhưng điều này phụ thuộc vào lý do bạn muốn ra đi. Nếu tiền bạc là lý do chính và công ty đề nghị con số bạn muốn, bạn có thể xem xét lại; nhưng nếu bạn muốn ra đi vì không phù hợp với văn hóa công ty hoặc phong cách quản lý, tiền nhiều có thể không níu giữ được bạn ở lại. Khi đã quyết tâm nghỉ việc, hãy dứt khoát từ chối lời đề nghị ở lại. Dùng dằng, thương lượng qua lại nhiều lần mà không đi tới đâu là sự lãng phí thời gian và công sức của cả 2 bên.
Chuẩn bị bàn giao công việc
Bàn giao công việc là một phần không thể thiếu trong kế hoạch nghỉ việc. Hãy lập một danh sách những công việc bạn đảm nhận, ghi chú rõ ràng về tình trạng của từng nhiệm vụ để ai đọc cũng có thể hiểu được. Sự chuẩn bị chu đáo này của bạn sẽ giúp mọi người trong công ty nhớ tới bạn dài dài.
Cẩn trọng với cuộc phỏng vấn thôi việc
Một số công ty thực hiện phỏng vấn thôi việc (exit interview) để thu thập ý kiến của nhân viên về môi trường làm việc, về chính sách của công ty. Đây cũng là thời điểm bạn có thể đặt câu hỏi về chế độ bảo hiểm hoặc bất cứ vấn đề nào còn vướng mắc.
Dù nhân viên nhân sự luôn khuyến khích bạn nói hết tâm tư, khúc mắc của mình, hãy cố gắng đừng vượt qua ranh giới tiêu cực. Tốt nhất, hãy nói rằng bạn nhận được một lời đề nghị không thể từ chối hay muốn tìm kiếm môi trường làm việc giúp mình phát huy khả năng bản thân. Đừng đi sâu vào chi tiết như sếp thiên vị, đồng nghiệp thực dụng, các dự án “lãng xẹt”… Bạn có thể đánh mất những cơ hội tốt trong tương lai nếu hạ thấp công ty cũ.
Cập nhật sơ yếu lý lịch
Kể cả chuyển luôn sang một vị trí mới, bạn cần cập nhật lại CV của mình. Hãy chuẩn bị sẵn sàng CV, thư xin việc, hồ sơ online trên mạng xã hội và những tài liệu khác trước khi bắt tay vào quá trình tìm việc.
Đồng thời hãy liên lạc với 2 – 3 đồng nghiệp/ sếp và đề nghị họ làm người tham khảo cho bạn. Hãy tận dụng khi tình cảm của bạn với mọi người vẫn chưa “xa mặt cách lòng”. Khách hàng, đối tác cũ thân thiết cũng là nguồn tham khảo mạnh mẽ của bạn.
Duy trì sự tích cực
Trong quá trình tìm việc mới, bạn không nên vì đề cao công ty mới mà nói xấu công ty cũ. Cho dù tình trạng ở công ty cũ tồi tệ ra sao, hãy duy trì sự chuyên nghiệp và tích cực. Cũng không được dùng mạng xã hội để đá đểu công ty/ sếp/ đồng nghiệp cũ. Thành công luôn là sự trả thù tuyệt vời nhất. Vì thế, thay vì trả thù một cách nhỏ nhen, hãy thể hiện năng lực của bản thân và cho thấy công ty đã bỏ lỡ một nhân tài giá trị như thế nào.
Leave a Reply